Chiếc Địu Vải Trong Đời Sống Của Người Mông Nà Mộ

Trong đời sống của đồng bào Mông thôn Nà Mộ, xã Hùng Lợi (Yên Sơn), cùng với chiếc gùi đung đưa trên lưng các bà, các mẹ thì chiếc địu vải cũng là một vật dụng không thể thiếu và gắn bó với người phụ nữ Mông. chiếc địu vải của người Mông làm khá cầu kỳ với những đường nét hoa văn sặc sỡ, bắt mắt; gửi gắm nhiều ý nghĩa sâu sắc.
Chiếc địu vải trong đời sống của người Mông Nà Mộ
Chiếc địu vải trong đời sống của người Mông Nà Mộ

Chiếc địu vải gắn bó với người phụ nữ Mông thôn Nà Mộ

Ông Lý Văn Vang, trưởng thôn Nà Mộ cho biết: “Chiếc địu vải là vật không thể thiếu trong mỗi gia đình người Mông chúng tôi. Nó giúp người mẹ vừa trông con, vừa làm được các công việc khác như nấu cơm, giặt giũ, gặt lúa, làm nương, gánh nước. Đứa trẻ được địu sẽ được chơi, ngủ an toàn trên lưng mẹ”.Theo cách truyền thống, địu vải của người Mông Nà Mộ được làm bằng vải thổ cẩm, gồm 2 phần: Dây địu và thân địu. Thân địu có 2 lớp, lớp trong là một miếng vải chàm đen; lớp ngoài gọi là mặt địu được làm bằng miếng vải thêu các loại hoa văn, họa tiết.

Mặt địu được trang trí bắt mắt, tựa như một tác phẩm nghệ thuật mà người Mông tạo ra với đầy đủ sự khéo léo, tỉ mỉ và tinh tế. Chị Giàng Thị Súa cho biết, mặt địu được tách biệt với phần phía trên hình tam giác để đỡ cổ bé và phần phía dưới hình nhữ nhật để đỡ thân bé. Ở mỗi phần có cách trang trí khác nhau, gửi gắm nhiều ý nghĩa độc đáo.

Ở phần phía trên tạo ấn tượng với những chiếc tua rua chạy xung quanh, ôm gọn 30 bông hoa, 6 chiếc lá được thêu thùa đẹp mắt. Trong quan niệm người Mông 30 và 6 là những con “số lành”, “số đẹp” thường được áp dụng để trang trí lên trang phục.

Nét văn hoá đẹp của người miền cao.

Trên nền vải thổ cẩm màu đỏ, phần thân địu càng sặc sỡ với đường nét thổ cẩm. Sự đa sắc màu cùng với những đường viền quanh dây địu, tượng trưng cho 8 tia nắng, 9 tia mưa. Nó là sự kết hợp hài hòa tượng trưng cho trời, đất, mây, mưa, sấm chớp, cây cỏ cùng hoa lá và ánh mặt trời… trông thật đẹp mắt. Điều đó còn thể hiện sự pha màu khéo léo cùng với tính nghệ thuật thẩm mỹ của người làm.

Hoa văn trên chiếc địu chủ yếu là hình chiếc lá, bông hoa, cánh chim. Đây là biểu tượng cho thiên nhiên núi rừng cùng những khát vọng bay cao, bay xa. Bên cạnh đó, người Mông Nà Mộ quan niệm, hoa văn sẽ giúp con người giao tiếp được với các thần linh, mời các thần linh tới nhà ban phát cho điềm lành, xua đi những điều dữ.

Dây địu có bề rộng, mỗi dây khoảng 10 cm, chiều dài 1m, may bằng vải chàm. Khi địu trẻ nhỏ, người ta đặt đứa trẻ trên lưng, hai chân để sang hai rồi bắt đầu vắt thân địu và luồn dây khéo léo để địu ôm gọn lấy cơ thể bé. Ở trong chiếc địu ấm áp, những đứa trẻ ngoan ngoãn, ít khi quấy khóc và dễ dàng chìm sâu vào giấc ngủ.

Theo chị Hoàng Thị Hoa, chiếc địu còn là món quà của bà ngoại tặng cho cháu, là tình cảm của cha mẹ tặng cho con cái. Khi con gái đi lấy chồng có bầu, người mẹ làm sẵn chiếc địu đợi đến ngày con gái sinh, đích thân bà ngoại sẽ mang chiếc địu đến cho con gái. Chiếc địu thể hiện sự cần cù, đôi bàn tay khéo léo, trí tưởng tượng phong phú của người phụ nữ Mông. Mỗi chiếc địu từ khi bắt đầu làm đến khi hoàn thành phải mất 2 tháng, do đó đòi hỏi người làm phải có đức tính kiên trì, cần mẫn.

Ngày nay xã hội hiện đại, nhiều vật dụng trông trẻ ra đời thế nhưng chiếc địu vẫn là đồ dùng không thể thiếu trong bất cứ gia đình người Mông ở Nà Mộ. Chiếc địu như vòng tay ấm áp của mẹ, ôm ấp, bao bọc con, mong cho con lớn khôn từng ngày.

Theo TQĐT

Công ty TNHH JUMYS VIỆT NAM

Địa chỉ: 59/13 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh

Hotline: 093.843.6668

Email: info.jumys@gmail.com

Fanpage: facebook.com/jumysbabycarrier

Shopee: shopee.vn/jumys_vietnam_chinhhang

TikTok: tiktok.com/@diuvaiembe.jumys

JUMYS
Follow me

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Nội dung bài viết